Khoa học đã chứng minh rất nhiều tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người
Ô nhiễm không khí gây vô sinh nữ?
Lão hóa da sớm do ô nhiễm không khí phải làm sao?
WHO: Hơn 90% trẻ em trên thế giới phải hít thở không khí ô nhiễm hàng ngày
5 cách để giữ cho ngôi nhà không bị ô nhiễm không khí
Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ rõ nét giữa các chất gây ô nhiễm không khí với một số bệnh về tim và phổi, thì nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí JAMA (Mỹ) cho thấy thêm tác động giữa việc tiếp xúc lâu dài với tất cả các chất gây ô nhiễm không khí chính, đặc biệt là ozone, với sự gia tăng khí phế thũng thông qua chụp CT phổi.
Khí phế thũng là một trong những dạng phổ biến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), là tình trạng mô phổi bị phá hủy dẫn đến thở khò khè, ho và khó thở, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
“Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây khí phế thũng đã được biết đến. Thật bất ngờ khi ô nhiễm không khí lại có tác động mạnh như hút thuốc lá đối với sự tiến triển của tình trạng này”, tác giả nghiên cứu, GS.TS Joel Kaufman cho hay.
Trên thực tế, các nhà khoa học nhận thấy, nếu mức ozone xung quanh nơi bạn sống cao hơn 3 ppb so với một địa điểm khác trong hơn 10 năm, điều đó có thể liên quan đến sự gia tăng khí phế thũng tương đương với việc hút một gói thuốc lá mỗi ngày trong 29 năm. Nghiên cứu cũng xác định rằng nồng độ ozone ở một số thành phố lớn của Mỹ đang tăng lên theo mức đó, một phần là do biến đổi khí hậu. Mức ozone trung bình hàng năm trong khu vực nghiên cứu là khoảng 10 đến 25 ppb.
“Tỷ lệ bệnh phổi mạn tính ở Mỹ đang tăng lên ở cả những người không hút thuốc”, GS.TS Joel Kaufman cho biết, “Và có vẻ như ô nhiễm không khí có liên quan tới điều này”.
Kết quả này dựa trên một nghiên cứu kéo dài 18 năm với hơn 7.000 người. Các nhà khoa học tới từ Đại học Washington, Đại học Columbia và Đại học Buffalo (Mỹ) đã kiểm tra chi tiết về tình trạng ô nhiễm không khí mà những tình nguyện viên tiếp xúc từ năm 2000 đến 2018 tại 6 khu vực đô thị trên khắp nước Mỹ: Chicago, Winston-Salem, NC, Baltimore, Los Angeles, St. Paul, Minnesota và New York. Cơ sở dữ liệu được rút ra từ Nghiên cứu Đa sắc tộc về Xơ vữa động mạch (MESA).
Những nỗ lực toàn cầu giúp cắt giảm các chất gây ô nhiễm trong không khí đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, chất gây ô nhiễm không khí ozone lại đang có xu hướng gia tăng. Ozone trên mặt đất hầu hết được sản xuất ra khi tia cực tím phản ứng với các chất ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch.
“Đây là một nghiên cứu lớn với phân tích hiện đại dựa trên hơn 15.000 lần chụp CT được lặp lại trên hàng ngàn người trong vòng 18 năm. Những phát hiện này quan trọng vì nồng độ ozone ở mặt đất đang tăng lên. Số ca khí phế thũng được phát hiện thông qua chụp CT cũng dự đoán nguy cơ nhập viện và tử vong do bệnh phổi mạn tính”, GS.TS R. Graham Barr, người đứng đầu Nghiên cứu MESA Lung và là tác giả chính của nghiên cứu trên cho biết.
“Khi nhiệt độ tăng cùng với biến đổi khí hậu, tầng ozone trên bề mặt sẽ tiếp tục tăng, trừ phi chúng ta chung tay hành động cắt giảm chất ô nhiễm này. Nhưng vẫn chưa xác định được mức độ an toàn (nếu có) của chất gây ô nhiễm không khí này”, GS.TS R. Graham Barr nhận định.
Bình luận của bạn